Tiêu thụ ô tô tăng đột biến trong tháng 12/202 nhờ cuộc đua đại hạ giá xả hàng tồn cuối năm cùng việc 'chạy' doanh số trước khi chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ của Chính phủ đối với ô tô trong nước hết hiệu lực.
Sau 2 tháng đi ngang và 1 tháng tăng nhẹ, sức tiêu thụ ô tô trong tháng 12/2023 bất ngờ tăng vọt. Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) vừa công bố, doanh số tháng 12/2023 đạt 38.740 xe, tăng 39% so với tháng 11/2023 và tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022.
Doanh số này bao gồm 32.133 xe du lịch (tăng 43% so với tháng 11/2023), 6.407 xe thương mại (tăng 20,5%) và 200 xe chuyên dụng (tăng 9%). Về cơ cấu thị trường, doanh số của xe lắp ráp trong nước tháng cuối năm 2023 đạt 24.044 xe (tăng 33%) và xe nhập khẩu nguyên chiếc là 14.696 xe (tăng 49%).
Tính chung cả năm 2023, tổng doanh số bán hàng của các thành viên VAMA trên toàn thị trường đạt 301.989 xe, giảm 25% so với năm 2022 (bán 358.063 xe). Trong đó, xe ô tô du lịch đạt doanh số 230.706 xe (giảm 27%); xe thương mại đạt 69.078 xe (giảm 16%) và xe chuyên dụng đạt 2.205 xe (giảm 56%).
Số liệu bán xe thống kê theo các tháng do VAMA công bố. Nguồn VAMA
Nếu cộng cả doanh số xe Hyundai (do TC Motor sản xuất và phân phối, được công bố riêng) trong tháng 12/2023 là 10.844 xe (tăng 35,9% so với tháng 11/2023), thị trường ô tô Việt Nam đã bán ra tổng cộng 49.584 xe (VinFast không công bố số liệu doanh số theo tháng từ tháng 8/2023), tăng 38% so với tháng 11/2023 (bán 35.933 xe).
Tính chung cả năm 2023, doanh số bán hàng của các thành viên VAMA và TC Motor đạt 369.439 xe, giảm 24% so với năm 2022 (bán 486.217 xe).
Về xếp hạng thị phần thương hiệu trên thị trường cả năm 2023, Hyundai giữ vị trí đầu bảng với lượng bán 67.450 xe, giảm 17,3% so với năm 2022 (bán 81.582 xe); Toyota ở vị trí số 2 với lượng bán 57.414 xe, giảm 37% so với 2022 (bán 91.115 xe); KIA ở vị trí số 3 với 40.733 xe bán ra, giảm 33% so với năm 2022 (bán 60.729 xe); Ford ở vị trí số 4 với 38.322 xe, tăng 33% so với năm 2022 (bán 28.847 xe) và ở vị trí số 5 là Mazda với 35.632 xe, giảm 1% so với năm 2022 (bán 36.052 xe).
Thống kê xe nhập khẩu và xe lắp ráp theo tháng do VAMA công bố. Nguồn VAMA
Với kết quả trên, có thể thấy, thị trường ô tô Việt Nam những tháng cuối năm có sự tăng vọt vượt xa so với các tháng trong năm. Nguyên nhân đã được dự đoán từ trước do tháng 12 là tháng cuối cùng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp trong nước của Chính phủ có hiệu lực. Cùng với đó, loạt ưu đãi, giảm giá từ vài chục đến vài trăm triệu nhằm chạy đua doanh số của các hãng xe đã góp phần tạo nên doanh số "đu đỉnh".
Mặc dù vậy, thị trường ô tô Việt Nam không thể chạm tới mốc 400.000 xe (trong khi năm 2022 đã vượt qua mốc này), đã đánh dấu sự đi xuống sau 3 năm tăng trưởng "nóng" của ngành ô tô. Theo các chuyên gia, sự đi xuống của toàn ngành ô tô đã được dự báo từ giữa năm với thực tế sa sút của ngành bất động sản cũng như lãi suất ngân hàng không ổn định, đã góp phần ảnh hưởng đến sức mua của người dân.
Dự báo đầu năm 2024, sức mua ô tô có thể vẫn cao nhờ vào nhu cầu mua sắm đón Tết nguyên đán của người dân tăng lên. Tuy nhiên, các tháng sau đó, sức mua có thể thấp dần nếu các hãng không tiếp tục kéo dài các ưu đãi.
* Ghi chú: Số liệu trên thiếu vắng các thương hiệu sau: Xe sản xuất lắp ráp trong nước: Mercedes-Benz, VinFast, Wuling HongGuang mini EV. Các thương hiệu xe nhập khẩu: Audi; Subaru; Volkswagen; Volvo; Beijing; Hongqi; Skoda; Haima; Lynk&Co; Bentley; Ferrari; Jaguar & Land Rover; Maserati; Morgan & Brabus; Porsche; Lamborghini; McLaren...
(Nguồn: https://vietnamnet.vn/o-to-viet-dat-hang-thang-cuoi-nam-doanh-so-du-dinh-2237814.html )
530 triệu
235 triệu
545 triệu
815 triệu
499 triệu
245 triệu